Sự nở rộ của các ứng dụng (app) vay tiền online đi kèm với các thủ tục, điều kiện vay dễ dàng, chớp nhoáng đã hình thành nên một bộ phận người vay chuyên giả mạo thông tin để bùng tiền.
Câu chuyện các app vay tiền bị lên án liên tục thời gian gần đây bởi chiêu thức đòi nợ khủng bố đã có thêm những tình tiết mới, với sự xuất hiện của những dân vay tiền lọc lõi, tinh ranh.
Nuôi app rồi bùng tiền
Sự hiện diện của hàng loạt ứng dụng cho vay tiền đã được phản ánh rất nhiều trong thời gian gần đây. Đó là những ứng dụng cho vay với một quy trình hết sức chóng vánh. Không cần thế chấp bất cứ giấy tờ tuỳ thân nào, đổi lại, người vay chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân bao gồm tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, đi kèm là thông tin của gia đình hoặc đồng nghiệp là đã có thể vay thành công.
Bên cạnh đó, đây cũng là một kiểu “tín dụng đen” thực sự khi người vay có thể chịu lãi mức suất từ 500 – 700%/năm và đi kèm những phương thức đòi nợ kiểu “khủng bố” tra tấn người vay.
Nhưng đúng là “kẻ cắp gặp bà già”, chính cách thức hoạt động kiểu vô tội vạ, thủ tục cho vay chớp nhoáng như trên đã dẫn tới hình thành một bộ phận người chuyên vay nợ rồi bùng tiền các app. Trong một hội nhóm có tên “Hội vay tiền App web bị khủng bố – giúp đỡ anh em đối phó” có số lượng thành viên hơn 39.000 người, những mánh khóe bùng nợ được các thành viên truyền tai nhau để lách qua các kẽ hở của các app vay.
Theo tài khoản T.N chia sẻ trong nhóm này cho hay, các khoản vay của app có thể dao động từ 500.000 đồng cho đến vài chục triệu đồng, thậm chí là vài trăm triệu đồng tùy ứng dụng. Hạn mức vay sẽ tùy vào mức độ uy tín, nếu trong các lần vay trước được trả nợ đầy đủ, đúng hạn, mức vay sẽ được nâng lên ở lần tiếp theo. Phương thức này được giới vay tiền gọi là “nuôi” app để bùng tiền.
Đầu tháng 4 vừa qua, T.N cho biết đã vay từ ứng dụng có tên “ATM Online” số tiền hơn 6 triệu đồng. Để có thể vay được khoản tiền này, T.N đã phải sử dụng sim rác cùng với các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo ảo. Ngoài ra, để được bên cho vay đồng ý giải ngân, người này còn phải cung cấp thêm địa chỉ giả làm tăng độ tin cậy. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, T.N khoe với những thành viên khác trong nhóm rằng mình có thể bùng số tiền vay bất cứ lúc nào, để tiếp tục đầu tư cho khoản vay mới ở những ứng dụng khác.
Trong khi đó, với ứng dụng cho vay có tên “Senmo,” tài khoản T.H đã phải vay và thanh toán hơn 3 lần. Lần đầu 500.000 đồng, các lần sau lần lượt 3 triệu đồng và 5 triệu đồng. Mục đích chính nhằm nâng hạn mức được vay ở lần tiếp theo. Sau 3 lần thanh toán rất đúng hạn, tài khoản của T.H đã được mức vay lên hơn 7 triệu đồng. Đến lần này, T.H cũng cho hay có thể sẽ “bùng” để nuốt trọn 7 triệu đồng, vẫn với chiêu thức hữu hiệu là sử dụng thông tin giả.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ vay tiền của một ứng dụng, các dân vay tiền app cộm cán thường sẽ cùng lúc vay nhiều ứng dụng. Facebook N.T cho biết đang vay cùng lúc 14 ứng dụng, mỗi ứng dụng được giải ngân số tiền vay là 3.500.000 đồng. Như vậy, với 14 ứng dụng, người này có thể vay số tiền lên tới 49.000.000 đồng. Để có thể được duyệt số tiền vay ở nhiều ứng dụng như vậy, tài khoản này không chỉ sử dụng sim rác, tài khoản mạng xã hội ảo mà còn tinh vi sử dụng giấy tùy thân giả.
“Kỹ nghệ” bùng tiền
Theo ghi nhận của PV, hầu hết các trường hợp bùng app vay đều bằng cách lợi dụng kẽ hở của quy trình duyệt hồ sơ tự động. Để hấp dẫn người vay, việc xác minh các thông tin cung cấp gần như không được tiến hành. Người vay sẽ sử dụng sim rác, tài khoản mạng xã hội ảo, danh bạ ảo, giấy tờ giả… để lách qua kẽ hở này.
Ngoài ra, nắm được điểm yếu về sự không chính thống của những ứng dụng vay tiền online, người vay tin rằng sự việc này không thể đưa ra pháp luật để giải quyết. Vì vậy, mặc cho sự truy lùng ráo riết bằng nhiều hình thức, thậm chí “khủng bố” như gọi điện, gửi tin nhắn đe dọa, nhắn tin cho người thân, đăng bài trên mạng xã hội… thì những dân vay bùng nợ vẫn chẳng hề hấn gì.
Trong hội vay tiền bùng app nêu trên, một tài khoản Facebook có tên N.N có đăng bài xin bí quyết “bùng nợ”, ngay lập tức ở dưới có rất nhiều bình luận không ngần ngại chia sẻ cách thức từ làm giấy tờ giả, cách ghi thông tin ở các bước kiểm duyệt, thậm chí là những lời đáp nếu bị gọi điện “khủng bố” như: “Bạn cứ trấn an người thân, bảo là thông tin cá nhân bị kẻ xấu lợi dụng”; “Bật chế độ im lặng, hãy coi như bạn đã chết. Bơ đi mà sống”;… Không những vậy, nhiều người còn sẵn sàng khoe chiến tích bùng nợ của mình để động viên chủ bài đăng cứ “mạnh dạn” mà bùng tiền.
Sự phát triển “nghề” bùng app vay tiền thậm chí còn kéo theo những dịch vụ hỗ trợ thoát nợ ăn theo, được quảng bá rầm rộ trong các hội nhóm kín như làm giả giấy tờ; nhận cày ứng dụng vay tiền online thuê; bán tài khoản Facebook ảo; bán danh bạ giả; nhận gọi điện trấn an người thân…
Ngày 5.5, trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, những trường hợp lợi dụng app vay tiền để bùng nợ, nếu đủ căn cứ chứng minh, các đối tượng có thể bị xử lý theo tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong khi đó, liên quan đến hoạt động vay tiền qua app, phía Bộ Công an từng lên tiếng khẳng định ứng dụng vay tiền trực tuyến (app vay tiền online) thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp. Người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay.
Việc vay tiền qua app rất thuận lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay xuất hiện nhiều app cho vay tiền núp dưới hình thức tín dụng đen, cho vay với lãi suất cắt cổ.
Do đó, Bộ Công an khuyên người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app. Người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…).
Bộ Công an cho biết, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền online dính tới việc cho vay với lãi suất cao, khủng bố người vay thì có thể bị xử lý với Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo Báo Lao động