Sau đây là những kiến thức hữu ích nhằm giảm thiểu rủi ro dính vào “tín dụng đen” cho vay nặng lãi khi bạn có nhu cầu muốn vay tiền online qua App (app vay tiền) hoặc Web.
Một là, cần tìm hiểu ai đang cho mình vay
Trước khi vay tiền qua bất kỳ hình thức nào, khách hàng cần phải tìm hiểu xem Người/ Tổ chức/ Cá nhân/ App mà mình chuẩn bị vay tiền đứng sau là ai.
Bạn cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín. Việc này có thể tìm trên website của App mà mình vay là của công ty nào, sau đó tra cứu mã số doanh nghiệp, địa chỉ và lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh đăng ký.
Thông thường, đối với hình thức vay tiền online qua website hoặc App cơ bản sẽ có các nội dung cơ bản như “Về chúng tôi”, “Điều khoản và chính sách”, “Liên hệ” hoặc thông tin dưới chân trang,… nhằm cung cấp thông tin cho khách hàng về công ty chủ quan.
Nếu không có các nội dung cơ bản trên thì xác định đây là địa chỉ không đáng tin cậy, có thể bị giả mạo và dễ gây ra hậu quả khó lường. Việc xác định được chủ thể cho vay qua App sẽ giúp khách hàng sử dụng các dịch vụ tốt hơn, hậu quả từ việc không có khả năng thanh toán của khách hàng sẽ thực hiện theo các quy định pháp luật. Tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.
Hoạt động vay tiêu dùng trực tuyến đang dần trở thành một xu thế vô cùng phổ biến vì vậy, hãy chọn các tổ chức tài chính uy tín và được pháp luật kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch về lãi suất và tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng.
Hiện nay, để biết các công ty tài chính cho vay tín chấp là các Tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép, bạn có thể xem bài viết: Danh sách các công ty tài chính được NHNN cấp phép
Hai là, trước khi vay cần tìm hiểu kỹ nội dung hợp đồng
Các thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua App. Khách hàng cần được trang bị các kiến thức, hiểu biết cơ bản để có thể tự bảo vệ mình trong những giao dịch tài chính.
Để hạn chế tình trạng bị mắc bẫy tín dụng đen qua App, ngoài việc thông tin, hướng dẫn, cảnh báo… người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin, trang bị thêm kiến thức để hiểu rằng khi vay tiền dù thủ tục có đơn giản cách mấy vẫn cần phải có những ràng buộc để nhân viên tín dụng thu hồi nợ. Không nên tin vào những quảng cáo cho vay tiền mà không cần điều kiện… Về điều này, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các Tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch hóa hoạt động cho vay như:
- Quy định về niêm yết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, cung cấp thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng;
- Cung cấp đầy đủ cho khách hàng trước khi xác lập thỏa thuận cho vay các thông tin về lãi suất cho vay, nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất trong trường hợp áp dụng lãi suất có điều chỉnh, lãi suất quá hạn, loại phí và mức phí theo đúng quy định Thông tư 43/2016/TT-NHNN;
Chỉ ký xác nhận hợp đồng vay khi có thông tin về kỳ hạn trả lãi. Đây là lưu ý đặc biệt quan trọng, nếu bạn không thỏa thuận về thời hạn trả lãi thì có thể sẽ bị các Tổ chức tín dụng đen áp dụng hình thức lãi mẹ đẻ lãi con, các khoản lãi sẽ được cộng dồn và tính tiếp cho lãi kép.
Do đó, khi làm hợp đồng vay tiền, hãy chắc chắn bạn có thỏa thuận cụ thể trong đó về thời hạn trả lãi để không bị cộng dồn lãi mẹ đẻ lãi con.
Ba là, trong hợp đồng vay phải ghi rõ lãi suất
Trong hợp đồng vay mà không ghi rõ lãi xuất nếu xảy ra tranh chấp kiện tụng thì theo nguyên tắc suy đoán, khách hàng sẽ phải trả lãi xuất 20%/1 năm của tổng số tiền vay.
Nếu khách hàng có thỏa thuận với người cho vay chỉ là 10% thì rõ ràng khách hàng sẽ phải chịu thiệt. Để tránh bị dính vào “giang hồ tín dụng đen” lợi dụng mức lãi suất cao nhất, khách hàng xem hợp đồng vay có quy định lãi suất mới ký hợp đồng.
Đặc biệt, riêng đối với các công ty tài chính tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và báo cáo cụ thể về khung lãi suất cho vay theo quy định.
Nếu trực tiếp vay qua App thì cần thiết chụp lại màn hình để lưu lại. Khách hàng nên hiểu bản chất, vay càng dễ, rủi ro càng cao thì lãi suất càng cao, vậy nên, khách hàng chấp nhận việc lãi suất vay sẽ rất cao khi vay ở các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoặc vay của các cá nhân, tổ chức khác.
Lãi suất cho vay của các Tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép (Công ty tài chính) không bị khống chế bởi quy định lãi suất khoản vay không quá 20%/1 năm.
Lãi suất cho vay của các tổ chức, cá nhân bị khống chế bởi quy định lãi suất không quá 20%/1 năm. Nhưng đương nhiên, sẽ hiếm có tổ chức, cá nhân nào cho khách hàng vay tín chấp với lãi suất thấp cả, nên khách hàng buộc phải tuân thủ luật chơi vì suy cho cùng khách hàng đi vay đang rất cần tiền. Họ sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất cao để giải quyết một nhu cầu nào đó.
Đặc biệt, Thông tư 18/2019/TT-NHNH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đã bổ sung thêm chi tiết:
Công ty tài chính phải niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Công ty tài chính khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các loại phí, phương pháp tính lãi; các hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, khiếu nại của khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng của Công ty tài chính.
Bốn là, trường hợp bị công ty cho vay đòi nợ “kiểu khủng bố”
Trong trường hợp khách hàng đã vay qua App điện tử, trả chậm nợ, không có khả năng thanh toán và sau đó bị đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người… hoặc đơn giản là bị khủng bố điện thoại từ các App điện tử.
Hoặc đưa hình ảnh cá nhân người khác lên mạng nói xấu, tung tin lệnh truy nã, đe dọa, bắt giữ, cưỡng đoạt… thì hành vi này của bên thu hồi nợ sẽ vi phạm pháp luật từ quyền nhân thân, xúc phạm danh dự nhân phẩm, đến vu khống, cưỡng đoạt tài sản… từ đó làm căn cứ để khách hàng khởi kiện.
Một số khách hàng không sử dụng dịch vụ từ các Công ty tài chính nhưng liên tục bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ hoặc giục trả nợ cho người thân, đồng nghiệp, bạn bè đã vay tiêu dùng từ các công ty này [4].
Trường hợp đã thông báo, đề nghị nhưng vẫn tiếp tục bị gọi điện quấy rối, người tiêu dùng có thể khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thông qua tổng đài 1800.6838 hoặc email [email protected]. Trong nội dung khiếu nại, người tiêu dùng cần cung cấp họ tên, số điện thoại của mình; tên của đơn vị liên quan và tóm tắt nội dung sự việc.
Năm là, vấn đề khai báo thông tin hồ sơ đăng ký vay online
Nhằm ngăn chặn tình trạng khách hàng bị lừa đảo khi vay tín chấp, khách hàng không nên tiếp nhận tư vấn cho vay tài chính qua mạng xã hội, zalo, facebook hoặc cung cấp các thông tin cá nhân trên Mạng xã hội vì đối tượng có thể lợi dụng để khai thác thông tin và lừa đảo.
Chỉ thực hiện việc xử lý hồ sơ tại các điểm giới thiệu dịch vụ của công ty; chỉ nên tiếp nhận thông tin tư vấn từ số máy bàn của công ty hoặc tổng đài, hạn chế tiếp nhận thông tin tư vấn từ số điện thoại di động; tìm hiểu kỹ về việc công ty có yêu cầu cung cấp giấy tờ bản gốc hay không.
Trong trường hợp công ty không yêu cầu, mà người tự nhận là nhân viên yêu cầu cung cấp bản chính giấy tờ để lưu giữ thì khách hàng phải đề cao cảnh giác và cần kiểm tra lại thông tin.
Cụ thể:
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ như: số thẻ, mã PIN, số CVV, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, câu hỏi bảo mật, các thông tin khác liên quan đến việc sử dụng thẻ ,… cho bất kỳ ai và dưới bất cứ hình thức nào;
- Không cung cấp mã bảo mật (OTP) cho bất kỳ ai kể cả người thân;
- Không để người khác chụp hình cá nhân và/ hoặc các giấy tờ tùy thân, thẻ tín dụng;
- Cẩn thận trong các giao dịch qua mạng/ điện thoại/ thư tín để không bị lộ, bị đánh cắp thông tin thẻ (số thẻ, số CVV,…) dẫn đến bị kẻ gian lợi dụng.
Sáu là, vấn đề gia hạn khoản vay, miễn – giảm lãi
Những khách hàng đang vay tiền tại các Tổ chức tín dụng (trong đó có Công ty tài chính) có thể được gia hạn nợ các khoản vay theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN Quy định về Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do NHNN ban hành, Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 03/20221/TT-NHNN.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ bao gồm: Khách hàng của Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ khách hàng là Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài); Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định tại Điều 2, Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Lưu ý: hoạt động cơ cấu lại thời hạn trả nợ (Khoản 2 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-NHNN); miễn, giảm lãi phí (Đọc Khoản 3 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-NHNN); giữ nguyên nhóm nợ (đọc khoản 4 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-NHNN) chỉ áp dụng với hoạt động cho vay của các Tổ chức tín dụng (trừ Ngân hàng chính sách), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, không áp dụng với hoạt động vay qua App tín dụng đen.
Bảy là, đường dây nóng tố giác tội phạm vay tín dụng đen cho vay nặng lãi
Người dân khi phát hiện những Apps cho vay tiền có dấu hiệu nghi vấn cho vay nặng lãi thì thu thập bằng chứng về việc này và liên hệ tới cơ quan có thẩm quyền theo danh cách số điện thoại tố giác tội phạm của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo website của Bộ công an. Đường link chính thống tại: Danh sách các cơ quan Công an tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên toàn quốc (Mục 4).
Theo Liên đoàn Luật sư VN