Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng thường đánh giá mức độ rủi ro hoặc kiểm tra nợ xấu khi cho vay dựa vào điểm tín dụng (CIC) của khách hàng. Bạn đã biết làm thế nào để tra cứu điểm tín dụng (hay tra cứu CIC) của bạn nhanh nhất?
Điểm tín dụng là gì?
Điểm tín dụng (Credit Score) là điểm số mà các đơn vị hay tổ chức tài chính dùng để kiểm tra, đánh giá sự uy tín của khách hàng khi sử dụng các hình thức cho vay của tổ chức đó. Điểm số Credit Score càng cao thì càng được đánh giá tốt. Trong đó mức điểm 740 được đánh giá là rất tuyệt vời và nó sẽ giúp khách hàng có được mức lãi suất tốt khi giao dịch với Ngân hàng.
Bạn có đủ điều kiện vay vốn hay không? Mức lãi suất cho vay dành cho bạn là bao nhiêu? Hạn mức tín dụng của bạn như thế nào? Bạn có phải khách hàng mang lại doanh thu lớn cho ngân hàng, tổ chức hay công ty tín dụng hay không? Tất cả đều được quyết định dựa trên điểm tín dụng.
Cách kiểm tra điểm tín dụng cá nhân
Cách 1: Kiểm tra điểm tín dụng cá nhân thông qua hệ thống CIC
Hệ thống CIC là tổ chức của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Tổ chức này có chức năng thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng của cá nhân, tổ chức nhằm phục vụ cho hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Bao gồm các bước sau:
- Bước 1: Đăng nhập trang web của CIC: https://cic.gov.vn sau đó nhấp vào mục đăng ký.
Lưu ý: Bạn cần phải chụp CMND cả mặt trước và mặt sau theo yêu cầu
- Bước 2: Hoàn thành đăng ký thông tin
- Bước 3: Sau khi hoàn thành đăng ký thông tin, hệ thống sẽ gửi mã xác thực (OTP) về số điện thoại bạn đã đăng ký.
Điền mã xác thực được gửi về điện thoại và chấp nhận các điều khoản
- Bước 4: Đăng nhập bằng tài khoản mà bạn vừa mới tạo, thông tin đăng nhập bao gồm tên đăng nhập và mật khẩu nếu hệ thống chưa tự động đăng nhập sau khi đăng ký.
Hoàn tất đăng ký
- Bước 5: Sau khi hoàn thành bạn sẽ tự tiến hành tra cứu CIC
Đây là cách đơn giản và nhanh nhất để bạn có thể tự thực hiện kiểm tra tín dụng cá nhân hoặc nợ xấu của bạn (nếu có) trước khi tiến hành làm hồ sơ vay ngân hàng.
Cách 2: Trực tiếp kiểm tra nợ xấu qua ngân hàng
Bằng cách thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Khách hàng nộp hồ sơ đăng ký khoản vay tại ngân hàng và yêu cầu ngân hàng kiểm tra lịch sử tín dụng cá nhân.
- Bước 2: Ngân hàng tiếp nhận yêu cầu vay vốn từ khách hàng và kiểm tra thông tin của khách hàng.
- Bước 3: Dựa vào thông tin khách hàng cung cấp thì ngân hàng sẽ nhập dữ liệu và kiểm tra lịch sử tín dụng trên hệ thống CIC
- Bước 4: Sau khi đã kiểm tra trên hệ thống ngân hàng sẽ trả về kết quả CIC cho khách hàng yêu cầu.
Cách 3: Chấm điểm tín dụng thông qua CreditNow
Sử dụng công nghệ chấm điểm tín dụng (Credit Score – www.creditscore.vn) để ra kết quả thần tốc trong vòng 60s.
Truy cập vào CreditNow (chú ý: bạn sẽ tốn phí 15000 đ/sms để lấy Mã Xác Thực khi sử dụng CreditNow tra cứu)
Các thành phần cơ bản của điểm tín dụng
Theo các chuyên gia, điểm tín dụng được tạo ra từ 5 trọng số cơ bản gồm:
- Lịch sử thanh toán (chiếm 35%): Lịch sử thanh toán cho biết bạn có trả nợ các ngân hàng; công ty hay tổ chức tín dụng nào đó đúng hạn hay không? Có trả hết nợ hay không? Vì vậy, đây là trọng số quan trọng nhất quyết định số điểm.
- Khoản nợ tín dụng tính đến thời điểm hiện tại (chiếm 30%): Cho biết toàn bộ khoản nợ gồm khoản vay tín chấp và khoản vay thế chấp ngân hàng cấp cho bạn. Nếu bạn chi tiêu gần hết hạn mức tín dụng, ngân hàng sẽ đánh giá là bạn có nguy cơ trả nợ trễ hạn hoặc không có khả năng trả nợ.
- Thời gian quan hệ tín dụng (chiếm 15%): Chính là thời gian khoản tín dụng được mở. Nếu thời gian quan hệ tín dụng càng lâu, bạn càng được đánh giá cao.
- Khoản vay tín dụng mới (chiếm 10%): Có thể hiểu là mức độ mở tài khoản mới và những khoản vay mới của bạn. Việc mở một tài khoản mới sẽ là một điểm “xấu” trong lịch sử tín dụng của bạn.
- Các khoản vay tín dụng phối hợp (chiếm 10%): Những khách hàng biết sử dụng kết hợp các tài khoản tín dụng (vay tiêu dùng, vay thế chấp…) khác nhau một cách thông minh sẽ được chấm điểm cao.
Cách để tăng điểm tín dụng nhanh nhất
Hạn chế trả nợ ngân hàng trễ hạn
Khi sử dụng các khoản vay tín dụng với ngân hàng, bạn cần theo dõi thời gian để trả nợ đúng hạn. Việc thanh toán trễ hạn dù là vô tình hay cố ý cũng khiến bạn bị mất điểm. Muốn vậy, từ trước khi quyết định vay ngân hàng, bạn cần có một phương án trả nợ hiệu quả. Tổng số nợ tín dụng càng thấp, điểm của bạn càng cao.
Không mở nhiều thẻ tín dụng
Việc sở hữu đồng thời nhiều thẻ tín dụng cũng có nghĩa là các khoản nợ bạn phải thanh toán càng cao; khả năng trả nợ đúng hạn càng thấp. Nhất là khi bạn chỉ có một nguồn thu nhập hay tài sản đảm bảo cố định, hồ sơ tín dụng của bạn càng được ngân hàng đánh giá rủi ro cao.
Không tiêu vượt quá hạn mức
Mỗi khách hàng đều được cấp một hạn mức tín dụng. Bạn chỉ được phép chi tiêu trong hạn mức tín dụng do ngân hàng cấp. Trong trường hợp chi tiêu quá hạn mức tín dụng, bạn sẽ phải chịu phí phạt, chịu mức lãi suất cao đồng thời bị giảm điểm.
Suy nghĩ kỹ trước khi quyết định hủy thẻ
Khi bạn mở thẻ tín dụng nhưng ít sử dụng hoặc không có nhu cầu sử dụng, có thể bạn sẽ nghĩ đến việc hủy thẻ. Tuy nhiên bạn nên cân nhắc thật kỹ và không nên hủy thẻ khi thời gian sử dụng dưới 6 tháng. Việc này có thể làm bạn bị giảm điểm tín dụng. Có nhiều nguyên nhân gây giảm điểm, đồng thời cũng có nhiều cách để bạn tăng điểm. Tất cả những cách giúp bạn tăng điểm đều nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
Chúc bạn có một lịch sử tín dụng tốt với số điểm tín dụng cao để hưởng nhiều dịch vụ và ưu đãi hấp dẫn của ngân hàng.